Công nghệ composite – hướng đi mới cho xử lý nước thải
Với mức chênh lệch đầu tư không quá lớn so với vật liệu truyền thống nhưng việc ứng dụng vật liệu composite có nhiều tính năng vượt trội, tiện dụng hơn cho người sử dụng.
Vật liệu composite được tạo ra từ hai hay nhiều vật liệu kết hợp lại với nhau tạo nên vật liệu mới, với nhiều tính năng ưu việt hơn vật liệu ban đầu, đã và đang được đưa vào ứng dụng nhiều để phục vụ cho cuộc sống.
Ứng dụng vật liệu mới này vào trong xử lý nước thải là một trong những giải pháp công nghệ hiệu quả đã được Trung tâm Nghiên cứu Ứng dụng và Dịch vụ khoa học công nghệ Tiền Giang (Sở Khoa học và Công nghệ) triển khai thực hiện rộng rãi trong thời gian qua.
Theo ông Nguyễn Tuấn Phong, Giám đốc Trung tâm Nghiên cứu Ứng dụng và Dịch vụ khoa học công nghệ Tiền Giang, vật liệu mới composite có tính năng vượt trội và tiện lợi trong sử dụng hơn so với các vật liệu truyền thống như trọng lượng nhẹ, độ bền cao giúp cho việc thi công nhanh, dễ lắp đặt, dễ di dời… nên thay thế hợp lý, hiệu quả cho các vật liệu truyền thống như bê tông vừa nặng vừa vận chuyển phức tạp, mất nhiều thời gian thi công, chi phí bảo quản cao.
Với ưu thế vừa là đơn vị sản xuất – kinh doanh vật liệu composite, vừa đảm nhận luôn thi công công trình, Trung tâm có rất nhiều lợi thế trong việc cạnh tranh ứng dụng vật liệu composite vào xử lý nước thải cho các cơ quan, đơn vị, doanh nghiệp.
Những công trình xử lý nước thải ứng dụng vật liệu composite gần nhất có thể kể đến là hệ thống xử lý nước thải Nhà khách Tiền Giang với công suất xử lý khoảng 100 mét khối/ ngày đêm, hệ thống xử lý chất thải bằng composite ở chợ Tân Mỹ Chánh công suất xử lý 10 mét khối/ ngày đêm.
Các công trình này được thực hiện theo hình thức bể hợp khối, đặt dưới lòng đất nên tiết kiệm được diện tích mặt đất sử dụng vào việc khác, sau khi xử lý, nước thải đạt cột A tiêu chuẩn Quốc gia về nước sinh hoạt.
Theo đó, quy trình xử lý nước thải của công nghệ này gồm có ba công đoạn chính là thu gom điều lưu, xử lý sinh học và khử trùng. Cụ thể, nước thải từ hầm cầu tự hoại và các hoạt động khác được dẫn đến bể gom kết hợp với lưới lược rác nhằm loại bỏ rác trước khi được bơm đưa vào bể điều lưu kỵ khí.
Ở công đoạn xử lý sinh học, bể điều lưu kỵ khí có hai nhiệm vụ là điều hòa lưu lượng và các chất hữu cơ ô nhiễm; đồng thời giữ vai trò phân hủy kỵ khí nhằm làm giảm nồng độ các chất hữu cơ, tạo điều kiện thuận lợi cho quá trình phân hủy sinh học tiếp theo.
Sau khi nước thải từ bể điều lưu kỵ khí được bơm liên tục với lưu lượng ổn định vào cụm bể Anoxic và Bio MBR (đây là công đoạn xử lý nước thải chính trong dây chuyền công nghệ xử lý nước thải). Bể Bio MBR được cải tiến từ bể Aerotank truyền thống kết hợp với bể Anoxic và lọc màng MBR là công nghệ xử lý nước thải bằng phương pháp sinh học kết hợp với quá trình lọc màng để tác sinh khối, cặn lơ lửng…
Ưu điểm của công nghệ Bio MBR trong xử lý nước thải là không cần bể lắng và giảm kích thước bể nén bùn; tinh giản công trình; khắc phục được các điểm yếu trong phương pháp bùn hoạt tính; hệ thống có thể điều khiển tự động hoặc kết hợp với bán tự động; kết cấu đơn giản và độ bền cao; hoạt động dễ dàng, giảm đòi hỏi sức người; có thể lắp ráp từng phần và dễ dàng mở rộng thêm, hiệu quả xử lý chất ô nhiễm cao; giảm tiêu thụ điện năng… Cuối cùng là công đoạn khử trùng (khâu bắt buộc cuối cùng trong quá trình xử lý nước thải).
Không chỉ có những tính năng vượt trội của vật liệu mới, giải pháp này còn có nhiều ưu điểm và tiện dụng khác như có thể nổi trên mặt đất hoặc đặt ngầm dưới lòng đất mà không sợ bị rỉ sét hay thấm nước nên rất thích hợp áp dụng đối với những nơi không có mặt bằng, thường xuyên chuyển đổi vị trí như các cơ sở sản xuất, kinh doanh thuê mặt bằng. Do vật liệu nhẹ nên nền móng để đặt bể không cần xử lý nhiều và dễ vận chuyển đi nơi khác để sử dụng tiếp.
Đặc biệt, nếu toàn bộ bể xử lý được đặt ngầm dưới lòng đất, người sử dụng có thể tiết kiệm mặt bằng để làm công việc khác như có thể làm vườn hoa tạo vẻ mỹ quan, cho công trình hay bãi đậu xe… Tùy theo yêu cầu của nhà sử dụng mà Trung tâm có thể thiết kế bể composite hợp khối hay bể rời.
Thời gian qua, Trung tâm đã triển khai nhiều công trình xử lý nước thải ứng dụng vật liệu composite ở Tiền Giang và một số tỉnh ở Đồng bằng sông Cửu Long với nhiều dạng thiết kế khác nhau như kiểu bể đứng, bể ngầm, bể hợp khối, bể rời… mang lại hiệu quả khá tố